[Nét đẹp Sài Gòn] Bánh mì Sài Gòn, nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Sài Gòn

#Lịch sử Bánh mì Sài Gòn

Bánh mì là một loại thức ăn đường phố của Việt Nam đặc biệt là tại Sài Gòn, bao gồm vỏ là một ổ bánh mì nướng có da giòn, ruột mềm; bên trong là phần nhân. Tuỳ hương vị vùng miền hoặc sở thích cá nhân mà người ta sẽ tạo thành những kiểu nhân khác nhau (thường là nhân chả lụa, thịt, cá, thực phẩm chay… kèm theo một số nguyên liệu phụ khác như patê, bơ, rau, ớt, đồ chua…Loại bánh mì này có nguồn gốc giống với bánh mì baguette do người Pháp đem vào Miền Nam Việt Nam từ những thế kỷ trước đây có người cho rằng món này đã có tại Việt Nam từ hơn 180 năm trước. Trong quá trình ăn uống, người Sài Gòn đã chế biến baguette lại thành kiểu bánh mì nhỏ và ngắn hơn chỉ còn khoảng 30–40 cm, và ruột thì rỗng hơn để có thể đưa phần nhân vào đó. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau.

Để tạo ra những ổ bánh mì có kích thước (lớn, nhỏ, dài, ngắn) và cấu trúc (đặc, rỗng, mềm, cứng) khác nhau, người thợ làm bánh phải thay đổi công thức và cách làm. Ngày xưa, khi bánh mì chỉ được lên men tự nhiên, người ta sẽ thay đổi tỷ lệ chất tạo men và thời gian ủ bột. Bây giờ ngoài bước này còn có sự hỗ trợ của nhiều loại chất nhũ hoá/phụ gia khác nhau nhằm giảm thời gian ủ và tạo ra ổ bánh mì như mong muốn. Do khẩu vị vùng miền khác nhau, trên thị trường cũng có các loại phụ gia tương ứng cho mỗi miền. Ví dụ, phụ gia bánh mì miền Bắc sẽ có thêm tác dụng giúp vỏ bánh dày và giòn hơn.

Bánh mì được xem là một loại thức ăn nhanh và bình dân dành cho buổi sáng, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì có giá thành phù hợp nên được giới học sinh, sinh viên và người lao động rất ưa chuộng.

Sau năm 1975, theo những cuộc di cư và vượt biển của người Việt, bánh mì Sài Gòn đã đi tới Pháp, Mỹ, Úc, Canada và dần trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới. Trong cách gọi thông thường, Người Mỹ gọi món này là bánh mì. Vào tháng 3 năm 2012, chuyên trang du lịch của The Guardian – một tờ báo nổi tiếng của Vương quốc Anh, đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc top 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới. Ở các nước có người Việt sinh sống hiện nay trên thế giới, bánh mì luôn mang theo hương vị của bánh mì Sài Gòn.

#Đánh giá của mọi người về Bánh mì Sài Gòn

Bánh mì kẹp thịt kiểu Sài Gòn đã được thuyền nhân mang qua Mỹ phổ biến. Lee’s Sandwiches được xem là một trong những doanh nghiệp làm cho bánh mì Sài Gòn và cà phê sữa đá Việt Nam thịnh hành đối với người Mỹ nói chung.

Xem bài viết khác

Theo đánh giá của một số tờ báo chuyên về ẩm thực của Hoa Kỳ thì bánh mì kẹp thịt của những cửa hàng người Việt là món ăn có hương vị và đặc điểm tương phản: vỏ ngoài giòn rụm nhưng ruột bên trong lại mềm, còn nhân bánh vừa đậm đà lại vừa cay nồng. Một nghiên cứu khá lý thú của các chuyên gia khoa Khoa học thực phẩm tại Đại học Leeds (Anh) thì còn cho rằng “kết cấu miếng thịt và độ giòn khi còn nóng còn thú vị hơn mùi vị của miếng thịt kẹp trong bánh.

[Nét đẹp Sài Gòn] Bánh mì Sài Gòn, nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Sài Gòn

Ngày 24 tháng 3 năm 2011, từ Banh Mi (Bánh Mì), nhằm để chỉ món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam, đã có mặt trong từ điển Oxford[9] và được báo giới công nhận rằng bánh mì Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Trong bài viết Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới (The world’s best street food) trên tờ The Guardian tháng 12 năm 2012 có viết: “Một bí mật ít được biết đến là bánh sandwich (bánh mì) ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí thành phố New York, mà trên các đường phố của Việt Nam. Nó bắt đầu với một baguette nhẹ nướng trên than. Sau khi một chút mayonnaise và một lớp mỏng của pâté, vỏ giòn là đầy thịt, rau giòn ngâm và các loại rau tươi. Sau đó nó thường được gia vị với một vài giọt nước tương và gia vị ớt cay.”.

Năm 2014, Andrea Nguyen đã xuất bản cuốn sách The Banh Mi Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches, được National Public Radio (NPR) nêu danh là một trong những sách dạy nấu ăn tốt nhất trong năm. Với sự trợ giúp của Andrea Nguyen, đầu bếp Robyn Eckhardt đã có một chuyến du hành khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để xác định những địa chỉ bán bánh mì (thịt) ngon nhất, và sau đó viết bài viết Đi tìm bánh mì ngon nhất Sài Gòn (Finding Saigon’s best banh mi) trên trang mạng EatingAsia.

Xem bài viết khác

Ngày 10 tháng 11 năm 2017, trong dịp đến thăm Việt Nam, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã cùng với đầu bếp gốc Việt Luke Nguyễn đi bộ và ghé vào dùng bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng.

#Các loại Bánh mì

– Bánh mì thịt: đây là loại món ăn (bánh mì) phổ biến nhất ở Sài Gòn, người bán bánh mì xẻ dọc ổ bánh mì và nhét thịt, chả, bơ, patê, thịt nguội một ít hành ngò, rau, đồ chua, ớt.
– Bánh mì chay: Với các nguyên liệu được làm từ các món ăn chay (dành cho những người Ăn chay)
– Bánh mì xíu mại: thịt xíu mại là thịt heo với sốt cà, bánh mì xíu mại Sài Gòn thường có vị ngọt khác với bánh mì xíu mại Đà Lạt, có vị cay.
– Bánh mì bì: bánh mì kẹp thịt hoặc da heo cắt sợi nhỏ, người bán sẽ chan thêm nước mắm vào bánh mì.
– Bánh mì chà bông: thức ăn đi kèm với bánh mì là thịt chà bông (ruốc) và xịt thêm một ít nước tương.
– Bánh mì cá mòi: Bánh mì ăn kèm với cá mòi, thường cá mòi là loại cá mòi hộp sốt cà.
– Bánh mì bò kho: bánh mì không, chấm với thịt bò kho.
– Bánh mì patê: bánh mì kẹp patê
– Bánh mì xá xíu hay bánh mì thịt nướng: bánh mì kẹp xá xíu hay là thịt heo quay, thịt heo nướng
– Bánh mì cóc: Là loại bánh mì có bề dài khoảng 1 gang tay, dài khoảng 60% so với bánh mì thường. Kẹp thịt và patê như bánh mì thịt, hiện tại chỉ thấy bán ở tiệm bánh Đức Phát.
– Bánh mì đậu hũ: cho người ăn chay.
– Bánh mì phá lấu: thành phần chính của nhân là phá lấu
– Bánh mì chả cá: bánh mì kẹp chả cá chiên, món này ngày càng phổ biến ở Sài Gòn.
– Bánh mì bơ (margarine): bánh mì trét một ít bơ, một ít đường.
– Bánh mì ốp la: bánh mì kẹp ốp la trứng gà.
– Mì xíu hay bánh mì xíu là bánh mì ổ nhỏ chan nước xíu (nước thịt).
– Bánh mì que: Là loại có kích cỡ hình que, có thể có vị thịt, rau phối hợp lại, khi ăn có vị ngon khi ăn có xốt (nếu có)

Theo Wikipedia